Lão hóa da là tình trạng suy giảm chức năng của làn da về cấu trúc, độ đàn hồi cùng những thay đổi biểu hiện rõ ràng trên bề mặt da theo thời gian. Quá trình này là tất yếu đối với bất cứ một cơ thể sống nào. Vậy, chính xác thì da lão hóa từ khi nào? Có những phương án nào giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình này lại không? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết sau!
Da lão hóa từ khi nào?
Theo Khoa da liễu – thẩm mỹ da (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), quá trình lão hóa da xảy ra ở tất cả các tầng cấu trúc của da, nó tạo nên những thay đổi và thể hiện lên bề mặt.

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây lão hóa da:
- Một là do yếu tố nội sinh: Tuổi tác càng cao, sự suy giảm collagen và elastin (2 protein quan trọng nhất trong cấu tạo da được cơ thể tự tổng hợp) càng nhiều. Thống kê cho thấy bắt đầu từ năm 25 tuổi trở đi, mỗi năm làn da sẽ bị hao hụt khoảng 1% collagen. Điều này ảnh hưởng xấu đến quá trình tăng sinh, tái tạo tế bào và tổng hợp lipid trong da.
- Hai là do yếu tố ngoại sinh: Các yếu tố này bao gồm ánh nắng mặt trời, lạm dụng mỹ phẩm, stress, thiếu ngủ, hút thuốc, nghiện rượu, ăn nhiều đường, ô nhiễm…
Vậy da sẽ bắt đầu lão hóa từ khi nào? Theo các bác sĩ da liễu thì không có một “cột mốc” chính xác cho quá trình này. Sự lão hóa phụ thuộc rất nhiều vào cơ địa, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt và làm việc của mỗi người.
Ví dụ: Người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng không bảo vệ da đúng cách hoặc những người có chế độ ăn uống thiếu chất, không chăm sóc da thì rất có thể làn da sẽ lão hóa ngay cả khi chỉ mới 20… Tuy vậy, sự lão hóa sớm ở độ tuổi đang “sung sức” nhất thường ở dạng tiềm tàng, chưa thực sự có những dấu hiệu rõ rệt nên dễ tạo tâm lý chủ quan.
Nghiên cứu một cách tổng quát, người ta đưa ra các quãng thời gian và các đặc trưng của da như sau:
- Giai đoạn từ 20-30 tuổi: Da trong quãng thời gian này thường săn chắc, đầy sức sống, ít hoặc thậm chí chưa xuất hiện nếp nhăn. Một số người có thể còn gặp vấn đề về mụn, da tiết dầu nhiều hoặc lỗ chân lông to. Đa số trường hợp từ 25 tuổi trở đi da dễ tổn thương hơn, khó lành hơn vì khả năng tự tổng hợp các chất oxy hóa giảm dần. Nếu không bảo vệ kỹ trước ánh nắng mặt trời, có chế độ dinh dưỡng vf sinh hoạt khoa học thì da có thể xuất hiện một số vấn đề như sạm màu hoặc chấm mờ tàn nhang nơi gò má.
- Giai đoạn từ 30-40 tuổi: Đây là thời kỳ nồng độ chất chống oxy hóa trong da suy giảm nhiều hơn, lượng collagen và elastin mất dần, các triệu chứng lão hóa da biểu hiện rõ ràng hơn trước. Nếu giai đoạn này không quan tâm chăm sóc thì da sẽ lão hóa rất nhanh, biểu hiện bởi tình trạng: Da khô ráp dễ bong tróc, nếp nhăn nơi khóe mắt, nốt tàn nhang rõ ràng hơn, da xỉn màu, sẹo thâm mụn khó mờ…
- Giai đoạn từ 40-50 tuổi: Sự suy giảm của nội tiết tố do mãn kinh kéo theo những hệ hụy rõ ràng trên da như: Suy giảm nghiêm trọng collagen, trao đổi chất trong da kém, độc tố tích tụ dưới da nhiều, tỷ lệ chất béo cao tích lũy dưới da… Các biểu hiện của da lão hóa trong giai đoạn này rất rõ ràng với các bọng mắt to, da nhão kém săn chắc, vết tàn nhang và nám, màu da xỉn, vết thương khó lành.
- Giai đoạn từ 50 tuổi trở đi: Các biểu hiện của lão hóa da bao gồm nếp nhăn nơi trán, khóe mắt, khóe miệng, vùng cằm cổ, lỗ chân lông to, vết nám, tàn nhang đậm màu, lỗ chân lông to…
Da lão hóa thì phải làm sao?
Các giải pháp cho làn da lão hóa có rất nhiều. Trong đó có cả việc tác động trực tiếp và nuôi dưỡng lâu dài từ bên trong. Dưới đây là một số lựa chọn:
- Dùng serum cho da lão hóa
Serum hay huyết thanh là một sản phẩm cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất ở dạng phân tử siêu nhỏ cho da. Đa số các loại serum đều có kết cấu rất lỏng, nhẹ (thậm chí lỏng hơn cả toner) nên dễ dàng len lỏi sâu vào các tầng cấu trúc da để thực hiện dưỡng ẩm, sửa chữa các tổn thương, kích thích sự tái tạo các tế bào da mới. Vì vậy, serum là sản phẩm không thể thiếu trong nhiều quy trình chăm sóc da chuyên sâu.
Với các dòng serum dành riêng cho da lão hóa, trong thành phần thường được bổ sung thêm các hoạt chất chuyên biệt để điều trị các vấn đề về da. Ngoài ra, một số hãng còn bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu như collagen, vitamin E,C,A, tinh dầu, khoáng chất…
- Kem dưỡng dành cho da lão hóa
Kem dưỡng có kết cấu dạng kem, không quá lỏng nhưng đặc hơn nhiều so với serum. Cấu trúc của kem dưỡng “nặng” hơn nên nó chỉ có thể tác động, nuôi dưỡng da ở tầng biểu bì (tầng trên cùng của da). Nếu như ví serum như những “hiệp sĩ tí hon” thì serum lại chính là “lớp áo giáp” giúp bảo vệ da, “khóa ẩm” bề mặt. Trong chu trình chăm sóc da chuyên sâu, ta sẽ thường thoa kem dưỡng ngay sau khi dùng serum để hạn chế serum “bốc hơi” ra khỏi bề mặt da.
- Kem dưỡng ẩm
Ngay cả khi bạn không muốn sử dụng các loại kem dưỡng dành riêng cho da lão hóa thì cũng cần bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày vào ban đêm. Điều này giúp làn da lão hóa ngăn chặn sự thất thoát nước khi ngủ và trả lại làn da căng mọng vào sáng hôm sau.
- Kem chống nắng
Không riêng gì làn da lão hóa, ở độ tuổi nào thì cũng cần trang bị sản phẩm này. Ánh nắng mặt trời từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều chứa rất nhiều tia UV, UVA, UVB gây hại cho da. Vì thế, hãy luôn thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài nếu không muốn sở hữu làn da đen nhẻm, sạm màu, tàn nhang, nám, đồi mồi… ngay từ những năm đôi mươi.
Với làn da lão hóa, hãy nhớ lựa chọn kem chống nắng có phổ bảo vệ rộng với chỉ số SPF tối thiểu là 30 hoặc loại có bổ sung thêm các enzym như endonuclease, photolyase… vì chúng có khả năng ngăn chặn tia cực tím ở cấp độ phân tử.
- Đắp mặt nạ
Mỗi tuần, hãy dành ra 2-3 lần, mỗi lần khoảng 20-30 phút đắp mặt nạ. Đây không chỉ là cách giúp khắc phục các dấu hiệu lão hóa mà còn là phương pháp thư giãn ưa thích cho làn da của bạn.
Có rất nhiều loại mặt nạ cho da lão hóa từ mặt nạ giấy, mặt nạ đất sét bán sẵn, cho đến các loại mặt nạ “tươi” nhà làm như: Hỗn hợp trứng gà mật ong, trà xanh, dưa chuột, cà chua, chanh – dầu oliu – muối biển, bơ – đu đủ, dầu gấc… Tùy vào sở thích, điều kiện thời gian và tài chính để bạn thoải mái lựa chọn.
- Tẩy da chết
Làn da lão hóa nên được tẩy tế bào chết đều đặn 1 lần/tuần để loại bỏ lớp tế bào già cỗi và kích thích tái tạo tế bào da mới.
Bạn có thể lựa chọn kem tẩy tế bào chết cơ học (có hạt scrub) để massage bề mặt da hoặc dùng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học có thành phần BHA (salicylic acid) hoặc AHA (glycolic acid) để “thanh lọc” làn da tận sâu bên trong.
Ngoài các sản phẩm trên, làn da lão hóa cũng cần được nuôi dưỡng chuyên sâu qua chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, uống đủ nước hàng ngày. Hãy bắt đầu chăm sóc làn da ngay từ hôm nay, bạn nhé!
Trả lời